Năm học 2012-2013 vừa rồi, Khoa CNTT có 7 tân cử nhân tốt nghiệp xuất sắc là các bạn: Lê Văn Huỳnh (3.89), Lưu Thế Lợi (3.62), Chu Xuân Cường (3.72), Phạm Hải Đăng (3.71), Vũ Trọng Hoá (3.60), Vũ Thanh Tú (3.70), Nguyễn Thị Tươi (3.67). Nhân dịp toàn Khoa đang sôi nổi bắt đầu năm học mới, để truyền lửa cho các tân sinh viên, FIT News xin đăng lại chia sẻ của các đại diện tốt nghiệp xuất sắc – khi được hỏi về kinh nghiệm học tập, về những dự định sau khi ra trường và về cảm nghĩ về thầy cô trong Khoa.
Tân cử nhân Nguyễn Thị Tươi
1. Kinh nghiệm của mình là lấy sự cần cù để bù cho sự thông minh: Thành tích trong học tập mà mình giành được là công sức tích lũy từ những năm đầu vào đại học tới khi ra trường. Mình nhận thấy khá nhiều sinh viên quên lãng việc tập trung cho sự nghiệp học vấn trong những năm đầu bỡ ngỡ nên bỏ qua nhiều cơ hội cho bản thân và kết quả chưa được như mong muốn. Tuy nhiên, việc nhận ra sự lơ là của mình và cố gắng luôn luôn nhận được đền đáp xứng đáng. Sự cần cù luôn bù đắp được cho sự thông minh. Thú thật, mình tự nhận thấy bản thân chỉ có chút xíu thông minh mà thôi, nhưng mình đã cố gắng với sự chăm chỉ và niềm tự hào, hạnh phúc đã đến với mình. Mình dám chắc rằng, mỗi sinh viên trong trường đều có khả năng. Vì vậy, mình mong rằng các em đừng lãng phí nhiều thời gian của mình nhé. Hãy tận dụng quỹ thời gian quý báu của mình để tích lũy và làm nên thành công.
2. Mình dự định sau tốt nghiệp sẽ theo học cao học tại trường mình để tiếp tục học hỏi và nâng cao kiến thức. Đồng thời xin việc và trau dồi kiến thức thực tế.
3. Về thầy/cô trong khoa: Thảo luận với bạn bè về các thầy cô giữa các trường, mình dám chắc rằng, các thầy cô trường mình luôn nằm trong số các thầy cô rất tận tâm, tận lực giúp đỡ cho những sinh viên của mình. Các thầy cô luôn luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc cho sinh viên bất kể qua email hay trao đổi trực tiếp. Thầy PGS.TS Hà Quang Thụy là một thầy giáo rất nghiêm khắc trong việc học tập nhưng vô cùng thương sinh viên, dẫn dắt sinh viên của mình đi theo đúng hướng. Thầy Nguyễn Cảnh Hoàng luôn mang một phong thái đặc biệt cùng các triết lý cuộc sống trong bài giảng của mình, làm bài giảng trở nên dễ hiểu hơn. Thầy Lê Phê Đô rất vui tính, những câu nói chứa chất gây cười của thầy khiến nhiều giờ học dài trở nên nhanh hơn. Thầy Đặng Đức Hạnh rất hiền, và giảng bài thật tỉ mỉ. Thầy Nguyễn Trí Thành rất linh động cho sự chuyển đổi các giờ học giữa các lớp của thầy, nhưng rất nghiêm khắc trong các kì thi… Còn nhiều nhiều thầy cô trong trường luôn tràn đầy nhiệt huyết, sẵn lòng vì sinh viên của mình.
Tân cử nhân Chu Xuân Cường
1. Thực ra thì với các môn học khác nhau thì phương pháp học cũng khác nhau. Có thể nói buổi đầu tiên của mỗi môn học, khi mà các giảng viên giới thiệu môn học cũng như hình thức thi, thì lúc đó sẽ quyết định được phương pháp học cho môn học đó.
Với các môn học cơ sở như Toán, Lý, phương pháp học cũng không khác cấp ba là mấy, chỉ cần chịu khó làm bài tập một chút là lúc thi sẽ ok bởi các môn này đề thi thường là các bài tập đã làm trên lớp.
Với các môn học không có thực hành, thi lý thuyết thì lúc thầy/cô giảng bài cần chú ý lắng nghe và ghi chép đầy đủ. Việc này sẽ giúp ích rất nhiều lúc thi. Nếu bạn nào không chăm chỉ chép thì lúc gần thi có thể mượn vở ai ghi chép đầy đủ để photo và ngồi ôn lại 🙂 Với các môn học này, nếu chú ý, chúng ta sẽ dễ dàng dự đoán được dạng đề thi để có thể ôn tập.
Với các môn học có thực hành và thi thực hành, thực ra giờ thực hành trên lớp của chúng ta hiện nay vẫn còn chưa hiệu quả, sinh viên lên phòng thực hành đa số đều ngồi chơi. Vì vậy, cần thực hành nhiều ở nhà.
Với nhiều môn chuyên ngành, các thầy còn không tổ chức thi, hoặc chỉ thi vấn đáp, thì các bài tập nhóm sẽ quyết định kết quả của môn học đó. Vì vậy cần tích cực tham gia trong nhóm, hay ít nhất cần nắm được các công việc mà nhóm đã làm.
Trong quá trình học, việc trao đổi học tập với các bạn trong lớp là việc rất quan trọng. Nếu bạn nào không chú ý lúc học trên lớp thì cần tích cực hỏi các bạn khác, đặc biệt là các cao thủ trong lớp.
2. Về dự định sau khi tốt nghiệp của em, em muốn học nhanh cho xong tiếng Anh để có thể xin được học bổng đi du học. Trong quá trình học tiếng Anh, có thể tiếp tục nghiên cứu với thầy, có thể vừa kiếm công việc nào để trang trải chi phí sinh hoạt.
3. Các thầy cô trong khoa mình đa số đều còn trẻ, vì vậy rất hiểu tâm lý sinh viên. Trong quá trình giảng dạy, các thầy cô luôn lên một lịch trình cụ thể để từ đó sinh viên có thể chủ động trong việc học. Ngoài ra, các thầy dạy thực hành chủ yếu đều là sinh viên mới tốt nghiệp nên cũng thuận lợi để cho các bạn sinh viên trao đổi.
Em đã từng được học rất nhiều giảng viên trong khoa mình, và mỗi người đều có một cách dạy khác nhau. Nói về chuyên môn thì có lẽ chúng ta không phải nhắc tới bởi các thầy cô đều rất giỏi về chuyên môn. Bên cạnh đó, các thầy cô đều rất nhiệt huyết và tận tình với sinh viên.
Thầy Lê Phê Đô là thầy đã dạy em 4 môn học khác nhau. Thầy là một rất nhiệt tình với sinh viên. Phương pháp dạy của thầy chính là để sinh viên làm bài tập và gọi sinh viên lên bảng. Các giáo trình thầy sử dụng đều rất dày, vì vậy mà bài tập cũng rất nhiều. Chính vì phải làm nhiều bài tập (nếu ai chăm chỉ) mà sinh viên nắm rất chắc nội dung bài giảng và đạt được kết quả tốt.
Thầy thứ hai mà em muốn nhắc tới là thầy Phạm Bảo Sơn. Mặc dù chưa được học môn nào thầy dạy nhưng thầy là người đã hướng dẫn em làm NCKH mà KLTN. Trong quá trình được làm việc với thầy, em đã được học rất nhiều điều, đặc biệt là kinh nghiệm làm NCKH. Mặc dù khá bận rộn với công việc của khoa nhưng thầy luôn sẵn sàng dành thời gian để ngồi với sinh viên, chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn cho sinh viên những định hướng trong tương lai.
Trong thời gian học đại học, nếu không được các thầy cô tận tình chỉ bảo thì em đã không đạt được kết quả như ngày hôm nay, thực sự em xin chân thành cảm ơn các thầy cô. Chính vì sự chỉ dạy tận tình này mà em luôn cảm thấy mình đã lựa chọn đúng trường.
Tân cử nhân Lưu Thế Lợi

1. Về kinh nghiệm học tập: Em luôn luôn cố gắng không để mất gốc bất cứ môn nào, kể cả những môn nhàm chán nhất. Có như vậy mới có thể học tập một cách dễ dàng được. Những buổi học đầu tiên của các môn đặc biệt quan trọng, bởi nếu không nắm được những bài học đầu tiên này sẽ làm cho chúng ta rất dễ nản và không thể theo kịp những bài học sau. Ngoài ra, luôn chủ động hỏi bài từ bạn bè, thầy cô sẽ giúp cho việc học trở nên dễ dàng hơn nhiều.
2. Về dự định sau khi tốt nghiệp: Em đã được nhận vào làm research assistant của một giáo sư bên School of Computing, NUS rồi. Trong quá trình làm việc ở đây em sẽ apply chương trình PhD luôn và hi vọng sẽ hoàn thành nó trong 5 năm tới. Sau đó, em rất mong có thể quay về trường để nghiên cứu và làm việc tiếp.
3. Cảm nghĩ về thầy cô trong khoa: Các thầy cô trong khoa có kiến thức rất sâu về chuyên môn, luôn sẵn lòng giải đáp cho sinh viên những thắc mắc liên quan. Em đặc biệt cám ơn thầy Trương Anh Hoàng về sự tận tâm, nhiệt tình trong quá trình hướng dẫn em suốt 3 năm qua. Thầy không chỉ tạo điều kiện cho em nghiên cứu, làm việc với các dự án thực tế mà còn trao đổi nhiều kinh nghiệm sống, kĩ năng phát triển cá nhân.
Tân cử nhân Vũ Trọng Hoá

1. Trong học tập hay công việc nói chung thì với em việc xác định mục tiêu, định hướng cho cho bản thân là việc quan trọng. Tuy nhiên lựa chọn con đường đúng đắn thực sự không phải dễ dàng, với em lựa chọn hợp lí nhất là những thứ bản thân yêu thích. Em không xác định mục tiêu là tốt nghiệp loại gì mà chỉ đơn giản là nắm bắt được kiến thức, công nghệ cho con đường trong tương lai, tuy nhiên may mắn thay em lại được suất sắc. Với các bạn sinh viên khóa sau em muốn nhắn nhủ rằng các bạn hãy nên theo đuổi đam mê.
2. Hiện tại thì em đang nhận được học bổng thực tập 3 tháng tại Viện khoa học công nghệ NARA, Nhật Bản. Sau khi kết thúc thực tập em sẽ về nước đi làm. Và em mong muốn trong thời gian không xa, em có thể xin được học bổng sau đại học ở nước ngoài, một phần em cũng thích đi du lịch.
3. Em và hầu hết các bạn sinh viên em biết trong trường đều rất ngưỡng mộ các thầy cô trong trường trường. Lúc còn học tập ở trung học phổ thông, em vẫn nghĩ ở môi trường đại học sinh viên không còn được các thầy cô quan tâm. Nhưng 4 năm học của em thì ngược lại. Em cũng muốn gửi lời cảm ơn tới các thầy cô trong khoa đã dìu dắt em trong 4 năm học vừa qua, và đặc biệt tới thầy Hà Quang Thuy, giáo viên hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp của em. Thầy rất nhiệt tình hướng dẫn sinh viên trong học tập, nghiên cứu khoa học và các hoạt động ngoại khóa. Không phải riêng em mà còn rất nhiều sinh viên khóa trước đã thành đạt hoặc đang học tập nghiên cứu tại nước ngoài.
Tân cử nhân Vũ Thanh Tú

1. Việc học tập và giảng dạy ở Đại học và các cấp học Phổ thông có rất nhiều điểm khác biệt, vì vậy, theo em để có được kết quả học tập tốt các bạn sinh viên cần sớm “lập trình” cho mình các kế hoạch học tập dài hạn và ngắn hạn, đặt ra các mục tiêu để phấn đấu đạt được và quan trọng là phải tìm cho mình một phương pháp học tập hiệu quả nhất. Với phương thức đào tạo theo tín chỉ, trước mỗi kỳ học, chúng ta đều được cung cấp danh sách các lớp môn học dự kiến sẽ mở, các bạn nên dành thời gian tìm hiểu qua về các môn học cũng như phương pháp giảng dạy của giảng viên, từ đó có thể chọn được các lớp học phù hợp nhất và sắp xếp thời gian học tập hiệu quả. Với việc học tập trên lớp, trong một buổi học, thầy cô thường truyền tải một lượng lớn nội dung mà không phải lúc nào chúng ta cũng có thể bắt kịp và rất khó để hiểu toàn bộ bài giảng ngay tại lớp. Bản thân em bị mắc một tật xấu, đó là thường xuyên ngồi đọc bài của các môn khác trong giờ, tuy nhiên, em vẫn cố gắng ghi chép bài thật đầy đủ, từ những chi tiết nhỏ nhất và ghi âm lại bài giảng khi cần thiết để thuận tiện cho việc ôn tập. Việc ôn tập thì mỗi bạn có một phương pháp khác nhau, có bạn thì học đến đâu về nhà ôn tập lại đến đó, có bạn lại chỉ ôn tập trước mỗi kỳ thi kiểm tra. Với bản thân em, em thường cố gắng để không bị tụt quá xa so với tiến trình học trên lớp và tập trung ôn tập vài ngày trước khi thi. Phương pháp của em cũng rất đơn giản, em thường ghi lại nội dung quan trọng ra giấy rồi thuyết trình lại cho người bạn nào đó hoặc tự thuyết trình một mình. Các bạn cũng nên tích cực tra cứu tài liệu, sách báo liên quan trên Internet, hay trao đổi bài vở với bạn bè. Chẳng hạn, các bạn khoa CNTT có một nhóm ôn thi cuối kỳ để trao đổi bài vở trên Facebook, đây cũng là kênh thông tin bổ ích mà các bạn nên quan tâm. Ngoài ra, các bạn có khả năng cũng nên tham gia các kỳ thi Olympic, các kỳ thi về công nghệ để trau dồi kiến thức và có thêm trải nghiệm.
2. Theo em khoảng thời gian sau khi vừa tốt nghiệp khá là nhạy cảm, nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng trước đó thì ở thời điểm này chúng ta thường có cảm giác hụt hẫng. Bản thân em dự định sẽ tiếp tục học tập ở bậc sau ĐH. Hiện tại em đang trau dồi thêm ngoại ngữ để có thể tự tin hơn trong chặng đường học tập sắp tới và tham gia một số công việc ở trường.
3. Điều em đặc biệt ấn tượng với các thầy cô trong Khoa là các thầy cô đều là những người rất tài năng, có chuyên môn cao, hầu hết các thầy cô đều từng học tập ở nước ngoài và trở về để cống hiến cho giáo dục nước nhà. Một điều đặc biệt nữa là mỗi thầy cô trong Khoa đều có một phong cách rất riêng, từ giọng điệu đến hình thức giảng dạy và kiểm tra, tất cả đều rất thú vị và thường xen lẫn sự hài hước. Các buổi học của chúng em ở trường luôn đầy ắp những tiếng cười và dấu ấn các thầy cô để lại trong chúng em là rất sâu sắc. Nhân đây, em cũng xin gửi làm cảm ơn chân thành nhất tới toàn thể các thầy cô của Trường ĐH Công Nghệ nói chung và các thầy cô của Khoa Công nghệ Thông tin nói riêng. Các thầy cô không chỉ truyền dạy cho chúng em kiến thức, cách tiếp cận với các vấn đề, mà còn truyền cảm hứng rất lớn cho chúng em tiếp tục phấn đấu hơn nữa trong học tập, nghiên cứu và công việc sau khi rời mái trường Đại học.