Thông tin chung

Gương mặt tiêu biểu K56KHMT: Hạ Hồng Việt – Chàng trai “ngưng ngược đãi”

diepht

Tháng Bảy 7

(Báo Sinh Viên Việt Nam) Chiến dịch truyền thông “Ngưng ngược đãi” của Hạ Hồng Việt (22 tuổi, ngành khoa học máy tính, khoa công nghệ thông tin, trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội nhanh chóng thu hút sự chú ý bởi cách tiếp cận sáng tạo và thông điệp nhân văn.
Khái niệm “ngược đãi”
 
Từng bị chọc ghẹo bởi chiều cao khiêm tốn trong suốt tuổi thơ, không ít lần, Hạ Hồng Việt bị tổn thương. Việt cũng nhiều lần chứng kiến các hành động vô tình gây tổn thương đến người khác mà mọi người thường xem nhẹ và dễ cho qua, như bố mẹ so sánh với con người khác, nhận xét về ngoại hình, chọc phá vì giọng nói, hay định kiến vùng miền… Đầu tháng 6/2015, Việt bắt tay vẽ một bộ ảnh, lập “fanpage” trên Facbook, chia sẻ và lan truyền thông điệp rằng, hãy ngưng những hành động ngược đãi người khác. Tất cả mọi công đoạn của chiến dịch đều do một mình cậu đảm trách.
 
Việt còn tham gia một dự án phi lợi nhuận, với vai trò tư vấn và chia sẻ những vấn đề tâm lý. Cậu nhận ra, những bạn bị tổn thương tâm lý, dù nặng nhẹ, hầu hết đều do từng bị ngược đãi trong quá khứ. Những chuyện tưởng chừng như rất bình thường lại để lại di chứng nguy hại. Việt chia sẻ: “Chúng ta chưa thực sự có khái niệm về sự ngược đãi. Chúng ta cứ cho rằng, nó phải là điều gì đó to tát lắm, mức độ phải lớn lao lắm, và chỉ xảy ra với những đối tượng đặc biệt. Trên thực tế, các hành vi ngược đãi vẫn xảy ra giữa hai con người bình thường, mà đôi khi, họ nghĩ đó chỉ là đùa vui”.
 
Đừng làm tổn thương người khác
 
Có nhiều phản ứng trái chiều về việc Việt đang làm, thậm chí, có bạn còn dùng môtíp của chiến dịch để… làm ảnh “chế”. Nhưng Việt vẫn quyết tâm: “Mặc kệ họ thôi, vì mình biết mục tiêu của mình là gì. Mình có thêm động lực khi có những bạn nhắn tin, bình luận tích cực trên “fanpage cảm ơn vì đã thay các bạn ấy nói ra những điều luôn giấu kín. Mọi người sợ nói ra lại bị mỉa mai, sợ người khác không hiểu và bị cho là làm quá. Sự ngược đãi là có thật, tâm lý con người dễ bị tổn thương cũng là thật”.
 
Hiện tại, Việt vừa thành lập một nhóm cộng đồng “Ngưng ngược đãi”, với mục tiêu thực hiện những hành động cụ thể hơn, đem chiến dịch từ “online” sang “offline”.
 
Việt chia sẻ: “Muốn làm được một điều gì đó lớn lao thì không thể cứ ngồi im suy nghĩ mà phải bắt tay làm. Làm từng chút một, chút một, tích tiểu thành đại thì mới có thể đạt đến kết quả lớn lao. Mong rằng, “Ngưng ngược đãi” sẽ tác động đến cộng đồng, đồng thời, kết hợp với những chiến dịch khác, cùng nhau truyền cảm hứng và cố gắng để đạt được những mục tiêu cụ thể, giúp con người đối xử tốt với nhau hơn”.
Theo Thanh Huyền – Báo Sinh Viên Việt Nam
 
“Ngưng ngược đãi” là hoạt động cộng đồng kêu gọi mọi người hãy chấm dứt các lời nói cũng như hành vi làm tổn thương người khác. Bạn có thể theo dõi những hình ảnh và thông điệp của chiến dịch tại địa chỉ: https://www.facebook.com/ngungnguocdai
 
Tin bài trên các báo: 
 

© VNU-UET-Faculty of Information Technology. All rights reserved.