Thông tin chung

Tin nhanh về đội tuyển Procon Trường ĐHCN, ĐHQGHN

thanhntm

Tháng Mười Hai 26

Cuộc thi lập trình (PROCON: PROgramming CONtest) được tổ chức rất quy củ, bài bản với sự tham gia của hệ thống các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp dành cho sinh viên không quá 20 tuổi ở Nhật Bản, dưới sự bảo trợ của Hiệp hội kỹ thuật – Công nghệ Nhật Bản, Đài truyền hình NHK và Hiệp hội doanh Nghiệp Nhật Bản.

Việt Nam tham gia PROCON từ năm 2004 với các sinh viên xuất sắc từ Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho các năm 2004, 2005, 2006 và đạt giải Tư là cao nhất trong khoảng 60 đội (cùng các đội từ Trung Quốc và Mông Cổ). Từ năm 2007, Trường ĐHCN, ĐHQGHN thay mặt Việt Nam tham gia thi đấu PROCON 2007, 2008, 2009, 2010 và 2011. Năm nay đội tuyển của Trường ĐHCN, ĐHQGHN vừa đạt giải NHẤT (sau giải Vô địch) trong số 60 đội toàn nước Nhật và 4 đội nước ngoài. Đây là thành tích cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam và được Nhật Bản rất khen ngợi, nhất là sau sự kiện của APEN tại Việt Nam được Trường ĐHCN, ĐHQGHN tổ chức rất thành công (http://www2.uet.vnu.edu.vn/uet/taxonomy/term/94/922).
Xin nhiệt liệt chúc mừng ĐHQGHN có thêm sự kiện quốc tế rất ấn tượng!

Cuộc thi PROCON lần thứ 22 được nước bạn tổ chức tại thành phố Maizuru, Kyoto, Nhật Bản. Năm nay, đội PROCON của Trường ĐHCN, ĐHQGHN chỉ tham dự phần thi tranh tài (Kyougi) gồm hai sinh viên (Vũ Viết Đức và Vũ Thanh Tú, lớp K54CLC) dưới dự hướng dẫn của TS. Phạm Ngọc Hùng. Trong phần thi này, có 64 đội tham dự gồm 4 đội nước ngoài (Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và Mông Cổ) và 60 đội của nước chủ nhà Nhật Bản. Chủ đề của phần thi tranh tài năm nay là khôi phục các bức ảnh bị phá hỏng. Với mỗi trận đấu, ban tổ chức sẽ cho mỗi đội một ảnh gốc và một ảnh bị phá hủy cùng một số tem (stamps) dùng để khôi phục ảnh bị phá hủy thành ảnh gốc. Đội có kết quả chính xác nhất (ảnh khôi phục giống ảnh gốc) sẽ dành chiến thắng. Nếu các đội có kết quả chính xác như nhau thì số lần dùng tem là tiêu chí tiếp theo. Trong trường hợp số lần dùng giống nhau thì thời gian tính toán chính là yếu tố quyết định chiến thắng.
Phần thi được tổ chức thành ba vòng (vòng loại chọn 36 đội vào bán kết, vòng bán kết chọn 12 đội vào chung kết và vòng chung kết chọn 3 đội mạnh nhất). Đội chúng ta cùng ba đội nước ngoài được đặc cách vào vòng bán kết nhưng vẫn dự thi vòng này để làm quen. Dù đã được vào vòng trong, đội VNU chúng ta đã thi đấu tốt và giành kết quả khả quan (xếp đầu bảng).

Đội VNU xếp thứ nhất vòng bảng.

Ở vòng bán kết, đội chúng ta xuất sắc giành vị trí số một của bảng đấu và sử dụng số tem chỉ bằng một nửa so với đội xếp thứ hai. Chúng ta đã nhận được nhiều lời khen từ ban tổ chức và những người theo dõi. Tất cả hội trường vỗ tay vang dội để chúc mừng và thể hiện sự khâm phục về kết quả tốt của đội VNU.

Đội VNU xếp thứ nhất vòng bán kết.

Chúng ta vào chung kết với tư cách là một trong ba đội mạnh nhất giải đấu cùng chín đội có kết quả khá. Vòng chung kết được tiến hành trong mười phút đầy bất ngờ và kịch tính. Chúng ta trình diễn kết quả tốt và chỉ kém đội Kurume của Nhật bằng số tem dùng nhiều hơn. Đặc biệt, thuật toán của chúng ta được đánh giá là rất đặc biệt và mang lại nhiều bất ngờ cho toàn thể những người theo dõi. Chúng ta đã giành giải á quân (chính xác là giải NHẤT – First Runner-up sau giải VÔ ĐỊCH – Champion) dưới sự khâm phục của mọi người.

Đội sinh viên của VNU, Việt Nam giành giải Nhất (First Runner-up) sau đội Vô địch của Nhật Bản (Champion) lúc 11:55 ngày 23/12/2011.

Buổi lễ trao giải được diễn ra long trọng và chúng ta là đội nước ngoài duy nhất nhận được giải chính thức từ ban tổ chức: Giải Nhất (First Runner-up Prize) ngay sau giải Vô địch.

TS. Phạm Ngọc Hùng (Trưởng đoàn Việt Nam) đưa tin từ Nhật Bản.

 

© VNU-UET-Faculty of Information Technology. All rights reserved.